Những quy định chung về thừa kế (Phần 1)

Thừa kế là một loại quan hệ xã hội phổ biến, xuất hiện đồng thời với quan hệ sở hữu, tồn tại và phát triển cùng với xã hội loài người. Vì vậy, đây là một chế định quan trọng trong hệ thống pháp luật dân sự ở nước ta nhằm giải quyết những vấn đề xung quanh việc xử lý di sản của người đã chết để lại. Nhằm giúp quý khách có thêm hiểu biết về vấn đề này, sau đây Luật An Trí Việt xin gửi đến bài viết Những quy định chung về thừa kế.

Xem thêm:

Những quy định chung về thừa kế (Phần cuối)

Những quy định chung về thừa kế (Phần 2)

Property Inheritance Law in Arizona | Brown & Hobkirk, PLLC

Các nguyên tắc trong pháp luật thừa kế

Nguyên tắc bảo hộ quyền thừa kế của cá nhân

Quyền thừa kế của cả nhân là quyền Hiến định: “Quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ”. BLDS năm 2015 đã cụ thể hóa nguyên tắc này: “Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Người thừa kế không là cả nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc”.

Theo các quy định trên, Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu hợp pháp của cá nhân. Tất cả tài sản thuộc quyền sở hữu của cá nhân sẽ là di sản thừa kế khi người đó chết. Pháp luật đã ghi nhận cá nhân có quyền thừa kế ở cả hai phương diện là quyền để lại di sản và quyền hưởng di sản thừa kế.

Nguyên tắc bình đẳng trong thừa kế

BLDS 2015 quy định “Mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền để lại tài sản của mình cho người khác và quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.” Như vậy, mọi cá nhân với tư cách là chủ sở hữu tài sản không phân biệt dân tộc, giới tính, địa vị xã hội, trình độ văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo, nghề nghiệp, hoàn cảnh kinh tế… đều có quyền để lại di sản sau khi họ chết cho những người khác còn sống theo sự định đoạt trong di chúc mà họ xác lập hoặc theo quy định của pháp luật.

Nguyên tắc này không chỉ quy định mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền để lại tài sản của mình cho người khác mà còn quy định bình đẳng về quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Cụ thể:

  • Bất kì người nào trong độ tuổi phù hợp, có khả năng nhận thức, điều khiển hành vi, còn minh mẫn và sáng suốt thì trước khi chết cũng có quyền lập di chúc bằng ý chí của mình để định đoạt tài sản của mình cho người khác còn sống.
  • Bất kì người nào (kể cả trường hợp không phải là cá nhân) được chỉ định trong di chúc là người được hưởng di sản cũng có quyền nhận phần di sản mà mình được thừa kế theo di chúc.
  • Bất kì cá nhân nào (không phân biệt giới tính) được xác định là người thừa kế theo pháp luật cũng đều hưởng di sản thừa kế bằng nhau khi họ là người thừa kế cùng hàng.

Nguyên tắc tôn trọng ý chí của chủ thể trong quan hệ thừa kế

  • Tôn trọng quyền định đoạt của người để lại di sản thừa kế

Theo nguyên tắc này, người để lại di sản thừa kế đã bằng ý chí của mình lập di chúc (hợp pháp) để định đoạt tài sản thì việc tiến hành chia thừa kế cho ai, cho mỗi người bao nhiêu, loại tài sản nào, trích bao nhiêu phần di sản dành cho việc thờ cúng, dành cho di tặng, giao cho ai thực hiện nghĩa vụ tài sản mà trước khi chết họ chưa thực hiện, khi nào thực hiện việc phân chia… phải được tiến hành theo di chúc. Quyền định đoạt của người để lại di sản còn được tôn trọng qua việc họ có quyền thay đổi sự định đoạt của mình thông qua việc sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế di chúc.

  • Tôn trọng quyền định đoạt của người hưởng di sản thừa kế

Pháp luật Việt Nam cho phép chủ thể được hưởng quyền thừa kế có quyền bằng ý chí của mình để quyết định nhận hay không nhận di sản thừa kế “Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác” (khoản 1 Điều 620 BLDS 2015).

Is Fair Market Value Different From Assessed Value For Inherited Property?

Nguyên tắc hạn chế quyền định đoạt của người để lại di sản để bảo đảm quyền lợi chính đáng của một số người thừa kế

Để bảo vệ quyền được hưởng thừa kế cho một số đối tượng mà khi người để lại di sản còn sống có nghĩa vụ nuôi dưỡng, chăm sóc, trên cơ sở pháp luật tôn trọng quyền định đoạt của người lập di chúc, pháp luật đã hạn chế quyền định đoạt của người này bằng cách không cho phép người để lại thừa kế định đoạt toàn bộ di sản cho người khác, mà phải dành ⅔ của một suất thừa kế theo pháp luật cho những người có quan hệ gần gũi, thân thuộc với mình. Những người này bao gồm: con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng; con thành niên mà không có khả năng lao động.

Thời điểm mở thừa kế

Thời điểm mở thừa kế là thời điểm mà từ đó người thừa kế nói riêng và các chủ thể khác nói chung có các quyền, nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại.

BLDS năm 2015 xác định: “Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trường hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định tại khoản 2 Điều 71 của Bộ luật này”.

Từ quy định trên, có thể thấy thời điểm mở thừa kế được xác định như sau:

Nếu xác định được thời điểm mà người để lại di sản chết thì thời điểm đó chính là thời điểm mở thừa kế.

Nếu người để lại di sản bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được Tòa án xác định trong quyết định tuyên bố một người là đã chết khi có cơ sở để xác định ngày chết của họ theo sự kiện thực tế xảy ra. Ví dụ, ngày xảy ra tai nạn, ngày xảy ra thảm họa, thiên tai… được xác định là ngày người đó chết.

Địa điểm mở thừa kế

Địa điểm mở thừa kế là nơi mà tại đó các chủ thể trong quan hệ pháp luật về thừa kế thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. “Địa điểm mở thừa kế là nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản; nếu không xác định được nơi cư trú cuối cùng thì địa điểm mở thừa kế là nơi có toàn bộ di sản hoặc nơi có phần lớn di sản” (khoản 2 Điều 611 BLDS 2015).

Theo Điều luật trên thì xác định địa điểm mở thừa kế dựa trên một trong hai căn cứ theo thứ tự sau:

  • Một là, theo nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản. Theo căn cứ này thì địa điểm mở thừa kế chính là nơi sinh sống cuối cùng của người đó trước khi chết.
  • Hai là, theo nơi có di sản của người chết. Khi không xác định được nơi cư trú cuối cùng của người chết ở đâu thì xác định địa điểm mở thừa kế của họ là nơi có di sản. Theo căn cứ này thì địa điểm mở thừa kế là nơi có toàn bộ di sản của người chết nếu di sản của họ chỉ để ở một nơi. Nếu người chết để lại di sản ở nhiều nơi khác nhau thì địa điểm mở thừa kế được xác định tại nơi mà họ để lại phần lớn di sản.

Trên đây là tư vấn của Luật An Trí Việt về những quy định chung về thừa kế. Quý khách có nhu cầu tư vấn về những quy định chung về thừa kế hoặc các vấn đề pháp lý có liên quan vui lòng liên hệ qua tổng đài 0913 169 599 / 0968 589 845 hoặc gửi thư đến hòm thư điện tử antrivietlaw@gmail.com để được hỗ trợ kịp thời và nhanh chóng nhất.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *