Những quy định chung về thừa kế (Phần 2)

Thừa kế là một loại quan hệ xã hội phổ biến, xuất hiện đồng thời với quan hệ sở hữu, tồn tại và phát triển cùng với xã hội loài người. Vì vậy, đây là một chế định quan trọng trong hệ thống pháp luật dân sự ở nước ta nhằm giải quyết những vấn đề xung quanh việc xử lý di sản của người đã chết để lại. Nhằm giúp quý khách có thêm hiểu biết về vấn đề này, sau đây Luật An Trí Việt xin gửi đến bài viết Những quy định chung về thừa kế (phần 2).

Xem thêm:

Những quy định chung về thừa kế (Phần 1)

Những quy định chung về thừa kế (Phần cuối)

What You Need To Know About The Documents Required For Selling Inherited Property

Di sản

Di sản bao gồm:

  • Tài sản riêng của người chết

Tài sản riêng của người chết được xác định là phần tài sản mà về phương diện pháp lý không bị chi phối hoặc phải chịu một sự ràng buộc nào với các chủ thể khác trong việc chiếm hữu, sử dụng và thực hiện quyền định đoạt.

  • Tài sản của người chết trong khối tài sản chung hợp nhất của vợ chồng

Theo khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, tài sản chung của vợ chồng bao gồm: Tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung. Phần tài sản của người vợ, chồng đã chết trong khối tài sản chung được xác định là tài sản thuộc di sản của người vợ, chồng đã chết.

  • Tài sản của người chết trong khối tài sản chung với người khác

Tài sản này có thể do họ góp vốn, góp công sức để cùng kinh doanh; phần vốn góp trong công ty; phần tài sản được tặng cho chung, được thừa kế chung của họ trong khối tài sản chung của nhiều người. Vì vậy, khi người này chết, phần tài sản của họ trong khối tài sản chung với người khác là di sản thừa kế mà họ để lại.

Người quản lý di sản

Người quản lý di sản là người có quyền quản lý phần di sản mà người chết để lại trong thời gian di sản chưa chia cho những người hưởng thừa kế. Bao gồm:

  • Người được chỉ định trong di chúc hoặc do những người thừa kế thỏa thuận cử ra.
  • Người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản tiếp tục quản lý di sản đó cho đến khi những người thừa kế cử được người quản lý di sản.
  • Cơ quan nhà nước có thẩm quyền (trong trường hợp chưa xác định được người thừa kế và di sản chưa có người quản lý).

Theo quy định tại Điều 617 BLDS năm 2015, người quản lý di sản thừa kế do được chỉ định trong di chúc hoặc do những người thừa kế thỏa thuận cử ra, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý di sản có nghĩa vụ cơ bản sau:

  • Lập danh mục di sản, thu hồi tài sản thuộc di sản của người chết mà người khác đang chiếm hữu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác
  • Bảo quản di sản, không được bán, trao đổi, tặng cho, cầm cố, thế chấp hoặc định đoạt tài sản bằng hình thức khác, nếu không được những người thừa kế đồng ý bằng văn bản
  • Thông báo về tình trạng di sản cho những người thừa kế
  • Bồi thường thiệt hại nếu vi phạm nghĩa vụ của mình mà gây thiệt hại
  • Giao lại di sản theo yêu cầu của người thừa kế

Đối với người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản quy định tại khoản 2 Điều 616 của BLDS 2015 có nghĩa vụ sau đây:

  • Bảo quản di sản; không được bán, trao đổi, tặng cho, cầm cố, thế chấp hoặc định đoạt tài sản bằng hình thức khác
  • Thông báo về di sản cho những người thừa kế
  • Bồi thường thiệt hại nếu vi phạm nghĩa vụ của mình mà gây thiệt hại
  • Giao lại di sản theo thỏa thuận trong hợp đồng với người để lại di sản hoặc theo yêu cầu của người thừa kế

Người quản lý di sản được chỉ định theo di chúc hoặc được cử ra, cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại Điều 616 BLDS năm 2015 có các quyền sau:

  • Đại diện cho những người thừa kế trong quan hệ với người thứ ba liên quan đến di sản thừa kế
  • Được hưởng thù lao theo thỏa thuận với những người thừa kế
  • Được thanh toán chi phí bảo quản di sản

Người chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản quy định tại khoản 2 Điều 616 của BLDS 2015 có các quyền sau đây:

  • Được tiếp tục sử dụng di sản theo thỏa thuận trong hợp đồng với người để lại di sản hoặc được sự đồng ý của những người thừa kế
  • Được hưởng thù lao theo thỏa thuận với những người thừa kế
  • Được thanh toán chi phí bảo quản di sản

Người để lại di sản

Người để lại di sản là người mà sau khi chết có tài sản để lại cho người khác theo trình tự thừa kế theo di chúc hoặc theo quy định của pháp luật. Người để lại di sản thừa kế chỉ có thể là cá nhân mà không bao gồm pháp nhân hay một tổ chức nào khác. Người để lại di sản thừa kế là cá nhân không phụ thuộc vào điều kiện hay yếu tố xã hội của cá nhân đó. Họ có thể là người chưa thành niên, người đã thành niên, người bị hạn chế năng lực hành vi hoặc bị mất năng lực hành vi, người đang bị giam giữ hoặc đang thi hành án hình sự; người đó cũng không phụ thuộc vào trình độ học vấn, địa vị xã hội, giới tính, dân tộc, tôn giáo, tình trạng tài sản…

Người không được quyền hưởng di sản

Để đảm bảo giá trị gia đình, đảm bảo truyền thống, đạo đức xã hội cũng như trật tự và công bằng xã hội, khoản 1 Điều 621 BLDS năm 2015 quy định phạm vi những người không được quyền hưởng di sản do có những hành vi bất xứng, đó là các trường hợp sau đây:

  • Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó
  • Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản
  • Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng
  • Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản

Những người thừa kế rơi vào các trường hợp trên thì không có quyền hưởng di sản thừa kế. Tuy nhiên, để tôn trọng quyền tự định đoạt của người có di sản, khoản 2 Điều 621 BLDS năm 2015 quy định: những người trong các trường hợp trên đây vẫn được hưởng di sản nếu người để lại di sản đã biết hành vi của những người đó nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc.

I'm going to inherit $6 million in property along with my two siblings — is there a 'clever' way to avoid capital-gains tax? - MarketWatch

Trên đây là tư vấn của Luật An Trí Việt về những vấn đề chung về thừa kế. Quý khách có nhu cầu tư vấn về những vấn đề chung về thừa kế hoặc các vấn đề pháp lý có liên quan vui lòng liên hệ qua tổng đài 0913 169 599 / 0968 589 845 hoặc gửi thư đến hòm thư điện tử antrivietlaw@gmail.com để được hỗ trợ kịp thời và nhanh chóng nhất.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *