Những quy định chung về thừa kế (Phần cuối)

Thừa kế là một loại quan hệ xã hội phổ biến, xuất hiện đồng thời với quan hệ sở hữu, tồn tại và phát triển cùng với xã hội loài người. Vì vậy, đây là một chế định quan trọng trong hệ thống pháp luật dân sự ở nước ta nhằm giải quyết những vấn đề xung quanh việc xử lý di sản của người đã chết để lại. Nhằm giúp quý khách có thêm hiểu biết về vấn đề này, sau đây Luật An Trí Việt xin gửi đến bài viết Những quy định chung về thừa kế (Phần cuối).

Xem thêm:

Những quy định chung về thừa kế (Phần 1)

Những quy định chung về thừa kế (Phần 2)

 

I've Inherited a Property in Arizona. Now What?

Người thừa kế

Người thừa kế là người được hưởng di sản mà người chết để lại theo di chúc hoặc theo quy định của pháp luật. Như vậy, người thừa kế bao gồm người thừa kế theo di chúc và người thừa kế theo pháp luật.

Người thừa kế chỉ được hưởng di sản do người chết để lại khi đáp ứng đủ các điều kiện luật định. Cụ thể như sau:

Điều kiện để cá nhân là người thừa kế

Thứ nhất, cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế. Đây là điều kiện đòi hỏi đối với cá nhân trong cả trường hợp thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật. Đối với người thừa kế theo pháp luật còn cần phải đáp ứng thêm một điều kiện về quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng giữa cá nhân này với người để lại di sản (quan hệ vợ chồng, quan hệ cha, mẹ và con).

Thứ hai, nếu là thai nhi thì phải đã thành thai trước khi người để lại di sản chết, sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế. Trường hợp đứa trẻ được sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế được xác định là con của người đã chết để lại di sản, đứa trẻ đó là người thừa kế theo pháp luật của người để lại di sản. Điều kiện này không cần phải xác định đối với cá nhân là người thừa kế theo di chúc, vì cá nhân là người thừa kế theo di chúc không bắt buộc phải là người có một trong ba mối quan hệ về hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng với người để lại di sản.

Thứ ba, không rơi vào trường hợp “không được quyền hưởng di sản”. Nếu người thừa kế rơi vào một trong những trường hợp “có hành vi bất xứng” được dự liệu tại Điều 621 BLDS năm 2015 thì người đó sẽ không được quyền hưởng di sản, sẽ không còn là người thừa kế. Trừ khi người để lại di sản đã biết hành vi của những người đó, nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc.

Thứ tư, không bị người để lại di sản truất quyền hưởng di sản bằng một di chúc có hiệu lực pháp luật (trừ trường hợp người thừa kế là người được thừa kế không phụ thuộc vào di chúc của người chết đã xác định được hưởng 2/3 một suất thừa kế nếu chia theo pháp luật).

Điều kiện đối với “người” thừa kế theo di chúc không là cá nhân

Người thừa kế theo di chúc không là cá nhân phải còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế. Nếu “người” thừa kế không phải là cá nhân được người để lại di sản chỉ định trong di chúc là người thừa kế mà không tồn tại vào thời điểm mở thừa kế thì sẽ không được hưởng di sản. Ví dụ, pháp nhân bị giải thể hoặc bị tuyên bố phá sản theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Phần di sản mà người lập di chúc định đoạt cho các chủ thể này sẽ được áp dụng chia theo quy định của pháp luật.

Khi được xác định là người thừa kế thì kể từ thời điểm mở thừa kế, những người thừa kế có các quyền và nghĩa vụ tài sản do người chết để lại. Quyền và nghĩa vụ tài sản của người hưởng thừa kế được xác định tại Điều 614, Điều 615, Điều 620 BLDS năm 2015.

Việc thừa kế của những người có quyền thừa kế di sản của nhau mà chết cùng thời điểm

Điều 619 BLDS 2015 quy định “Trường hợp những người có quyền thừa kế di sản của nhau đều chết cùng thời điểm hoặc được coi là chết cùng thời điểm do không thể xác định được người nào chết trước (sau đây gọi chung là chết cùng thời điểm) thì họ không được thừa kế di sản của nhau và di sản của mỗi người do người thừa kế của người đó hưởng, trừ trường hợp thừa kế thế vị theo quy định tại Điều 652 của Bộ luật này.”

Theo quy định của BLDS năm 2015 thì người thừa kế là cá nhân phải còn sống vào thời điểm mở thừa kế. Vì thế, người thừa kế mà chết trước, chết cùng thời điểm với người để lại di sản thì sẽ không còn là người thừa kế. Trường hợp người thừa kế của nhau chết cùng thời điểm, do tại thời điểm đó cùng mở thừa kế của hai người nên không xác định được tư cách chủ thể về mặt pháp lý cũng như sự hiện diện về mặt vật chất của họ trên thực tế (chấm dứt tư cách chủ thể) của những người này. Do vậy, BLDS quy định nếu những người này chết cùng thời điểm thì tài sản mà họ để lại được chia cho những người thừa kế của người đó, còn bản thân họ không được hưởng di sản của nhau.

Tài sản không có người nhận thừa kế

Các trước hợp tài sản không có người thừa kế bao gồm:

  • Không có người nhận thừa kế theo di chúc
  • Không có người nhận thừa kế theo pháp luật
  • Có người nhận thừa kế nhưng tất cả người thừa kế không được quyền hưởng di sản thừa kế do người chết để lại (được quy định tại Điều 621 Bộ luật dân sự 2015)
  • Có người nhận thừa kế nhưng tất cả người thừa kế từ chối nhận di sản thừa kế do người chết để lại (được quy định tại Điều 620 Bộ luật dân sự 2015)

Đối với các trường hợp trên, phần tài sản còn lại sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài sản mà không có người nhận thừa kế sẽ thuộc về Nhà nước.

Thời hiệu thừa kế

Thứ nhất, thời hiệu người thừa kế có quyền yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản và 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn trên thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:

  • Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của BLDS 2015, nghĩa là người đang chiếm hữu, được lợi “đối với di sản thừa kế của người chết để lại không có căn cứ pháp luật” nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó.
  • Nếu không có người chiếm hữu nêu trên, di sản sẽ thuộc về Nhà nước.

Thứ hai, thời hiệu dành cho người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế.

Thứ ba, thời hiệu dành cho người yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm. Thực chất đây là thời hiệu dành cho các chủ nợ đối với nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại. Theo thời hiệu này, các chủ nợ nói trên chỉ có quyền yêu cầu người thừa kế thay người để lại di sản thực hiện nghĩa vụ đó trong thời hạn 03 năm tính từ thời điểm mở thừa kế. Như vậy nếu hết thời hạn đó mà những chủ thể này không khởi kiện yêu cầu những người thừa kế của người chết thực hiện nghĩa vụ với mình thì họ mất quyền khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền để đảm bảo quyền lợi của mình.

I'm going to inherit $6 million in property along with my two siblings — is there a 'clever' way to avoid capital-gains tax? - MarketWatch

Trên đây là tư vấn của Luật An Trí Việt về những vấn đề chung về thừa kế. Quý khách có nhu cầu tư vấn về những vấn đề chung về thừa kế hoặc các vấn đề pháp lý có liên quan vui lòng liên hệ qua tổng đài 0913 169 599 / 0968 589 845 hoặc gửi thư đến hòm thư điện tử antrivietlaw@gmail.com để được hỗ trợ kịp thời và nhanh chóng nhất.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *