Nghĩa vụ cấp dưỡng sau ly hôn

Ly hôn là điều mà không ai mong muốn nhưng lại là một thực trạng xảy ra phổ biến hiện nay, kéo theo đó là rất nhiều hệ lụy, trong đó cấp dưỡng sau ly hôn luôn là vấn đề được nhiều người quan tâm. Nhằm giúp quý khách hiểu rõ hơn về vấn đề này, sau đây Luật An Trí Việt xin gửi đến bài viết Nghĩa vụ cấp dưỡng sau ly hôn.

The Divorce Process: A Step By Step Guide – Forbes Advisor

Nghĩa vụ cấp dưỡng sau ly hôn giữa vợ chồng

Quyền và nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ chồng là kết quả của quan hệ hôn nhân hợp pháp, phát sinh kể từ khi kết hôn. Quyền và nghĩa vụ cấp dưỡng là một trong những quyền và nghĩa vụ tài sản gắn liền với nhân thân của vợ và chồng. Pháp luật thừa nhận và bảo đảm thực hiện quan hệ cấp dưỡng giữa vợ chồng, kể cả trong trường hợp vợ chồng ly hôn.

Điều 115 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Khi ly hôn nếu bên khó khăn, túng thiếu có yêu cầu cấp dưỡng mà có lý do chính đáng thì bên kia có nghĩa vụ cấp dưỡng theo khả năng của mình”.

Như vậy, theo Luật định, giải quyết việc cấp dưỡng giữa vợ chồng sau khi ly hôn được đặt ra khi có các điều kiện:

  • Một bên vợ, chồng khó khăn, túng thiếu có yêu cầu cấp dưỡng mà có lý do chính đáng.
  • Bên kia có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.

Trường hợp vợ, chồng túng thiếu, có khó khăn cần được cấp dưỡng để ổn định cuộc sống phải là trường hợp ốm đau, hạn chế hoặc không còn khả năng lao động để sinh sống (hoặc có lý do chính đáng khác). Đối với người có khả năng lao động mà không chịu lao động thì Tòa án không giải quyết cấp dưỡng.

Vấn đề cấp dưỡng giữa vợ chồng khi ly hôn là một trong những trường hợp quy định về quyền và nghĩa vụ cấp dưỡng giữa các thành viên trong gia đình, được quy định tại Chương VII từ Điều 107 đến Điều 120 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

Về mức cấp dưỡng sẽ do vợ chồng thoả thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết. Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết (Điều 116).

Về phương thức thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, Điều 117 quy định “Việc cấp dưỡng có thể được thực hiện định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần”. Các bên có thể thỏa thuận thay đổi phương thức cấp dưỡng, tạm ngừng cấp dưỡng trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng; nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết. Trường hợp người vợ, chồng sau khi ly hôn được giải quyết cấp dưỡng mà kết hôn với người khác thì không được cấp dưỡng nữa (chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định tại khoản 5 Điều 118 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014).

My Ex-Spouse Now Earns More. Why Am I Still Paying Alimony and How Do I Change That? | Bergen County NJ Lawyers

Nghĩa vụ cấp dưỡng sau ly hôn đối với con

Điều 110 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con”.

Đồng thời, Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định

“Điều 82: Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

…2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.”

Như vậy, cha mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Ngoài ra, pháp luật hiện hành còn quy định về trường hợp cha hoặc mẹ sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con thì vẫn phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

Tiền cấp dưỡng cho con là toàn bộ chi phí cho việc nuôi dưỡng, học tập của con và do các bên thỏa thuận. Mức cấp dưỡng sẽ do hai bên tự thoả thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng. Trường hợp các bên không thoả thuận được thì Tòa án quyết định mức cấp dưỡng căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng. Mức cấp dưỡng do Tòa án quyết định nhưng không thấp hơn một nửa tháng lương tối thiểu vùng tại nơi người cấp dưỡng đang cư trú cho mỗi tháng đối với mỗi người con (Theo Điều 7 Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP hướng dẫn quy định trong giải quyết vụ việc về hôn nhân gia đình).

Về phương thức cấp dưỡng do các bên tự thỏa thuận, trường hợp hợp các bên không thỏa thuận được phương thức cấp dưỡng thì Tòa án quyết định phương thức cấp dưỡng hàng tháng hoặc phương thức khác phù hợp với nhu cầu, lợi ích của con và điều kiện kinh tế của người cấp dưỡng (Theo Điều 7 Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP hướng dẫn quy định trong giải quyết vụ việc về hôn nhân gia đình).

Ly hôn, có phải cấp dưỡng cho con riêng của vợ, chồng không?

Không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng sau ly hôn thì bị xử phạt như thế nào?

Tùy từng trường hợp, người không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng sau ly hôn có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường hợp bị xử phạt hành chính

Căn cứ quy định Điều 57 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng như sau:

“Vi phạm quy định về chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng sau khi ly hôn; từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ nuôi dưỡng giữa anh, chị, em với nhau, giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu theo quy định của pháp luật;

b) Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dưỡng cha, mẹ; nghĩa vụ cấp dưỡng, chăm sóc con sau khi ly hôn theo quy định của pháp luật.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc thực hiện nghĩa vụ đóng góp, nuôi dưỡng theo quy định đối với các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này.”

Như vậy, trong trường hợp không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng sau ly hôn theo quy định của pháp luật thì có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.

Trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Căn cứ theo quy định tại Điều 186 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017:

Người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật mà từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 380 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.”

Như vậy, trường hợp vi phạm nghĩa vụ cấp dưỡng sau ly hôn theo quy định trên thì người có hành vi vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt là: phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Trên đây là tư vấn của Luật An Trí Việt về Nghĩa vụ cấp dưỡng sau ly hôn. Quý khách có nhu cầu tư vấn về Nghĩa vụ cấp dưỡng sau ly hôn hoặc các vấn đề pháp lý có liên quan vui lòng liên hệ qua tổng đài 0913 169 599 / 0968 589 845 hoặc gửi thư đến hòm thư điện tử antrivietlaw@gmail.com để được hỗ trợ kịp thời và nhanh chóng nhất.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *