Kê biên tài sản đang tranh chấp
Theo quy định tại Điều 120 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì biện pháp khẩn cấp tạm thời kê biên tài sản đang tranh chấp được toà án quyết định áp dụng trong quá trình giải quyết vụ án dân sự nếu có căn cứ cho thấy người giữ tài sản đang tranh chấp có hành vi tẩu tán, huỷ hoại tài sản.
Toà án quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời này khi giải quyết vụ án dân sự theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Theo hướng dẫn tại Nghị quyết 02/2020/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời kê biên tài sản đang tranh chấp khi có đủ các căn cứ sau đây:
- Tài sản đang tranh chấp là đối tượng của quan hệ tranh chấp mà Tòa án đang thụ lý giải quyết;
- Có tài liệu, chứng cứ chứng minh người giữ tài sản đang tranh chấp có hành vi tẩu tán, hủy hoại tài sản đó. Ví dụ: Có vi bằng của Thừa phát lại xác định việc người giữ tài sản có hành vi đập phá tài sản đang tranh chấp.
Tài sản bị kê biên có thể được thu giữ, bảo quản tại cơ quan thi hành án hoặc lập biên bản giao cho một bên đương sự hoặc người thứ ba quản lý cho đến khi có quyết định của toà án.
Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp
Theo quy định tại Điều 121 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp được toà án quyết định áp dụng trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, nếu có căn cứ cho thấy người đang chiếm hữu hoặc giữ tài sản đang tranh chấp có hành vi chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp cho người khác.
Toà án quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời này theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp
Theo quy định tại Điều 122 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp được toà án quyết định áp dụng trong quá trình giải quyết vụ án dân sự nếu có căn cứ cho thấy người đang chiếm hữu hoặc giữ tài sản đang tranh chấp có hành vi tháo gỡ, lắp ghép, xây dựng thêm hoặc có hành vi khác làm thay đổi hiện trạng tài sản đó.
Toà án quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời này khi giải quyết vụ án dân sự theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời .
Cho thu hoạch, cho bán hoa màu hoặc sản phẩm, hàng hóa khác
Theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì biện pháp khẩn cấp tạm thời cho thu hoạch, cho bán hoa màu hoặc sản phẩm, hàng hoá khác được toà án quyết định áp dụng trong quá trình giải quyết vụ án dân sự nếu tài sản đang tranh chấp hoặc liên quan đến tranh chấp là hoa màu hoặc sản phẩm, hàng hoá khác ở thời kỳ thu hoạch hoặc không thể bảo quản được lâu dài.
Toà án quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời này khi giải quyết vụ án dân sự theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước
Theo quy định tại Điều 124 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì biện pháp khẩn cấp tạm thời phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước được toà án quyết định áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người có nghĩa vụ có tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước và việc áp dụng biện pháp này là cần thiết để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hoặc bảo đảm cho việc thi hành án.
Toà án quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời này theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Nhận được quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời này của toà án, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm ngừng mọi giao dịch liên quan đến tài sản của tài khoản bị phong toả cho đến khi có quyết định khác về tài khoản bị phong tỏa của tòa án.
Phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ
Theo quy định tại Điều 125 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì biện pháp khẩn cấp tạm thời phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ được toà án quyết định áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người có nghĩa vụ có tài sản đang có tài sản gửi người khác giữ và việc áp dụng biện pháp này là cần thiết để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hoặc bảo đảm cho việc thi hành án.
Toà án quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời này khi giải quyết vụ án dân sự theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời .
Nhận được quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời này của toà án, người đang nhận gửi giữ tài sản bị phong tỏa có trách nhiệm ngừng mọi giao dịch liên quan đến tài sản phong tỏa cho đến khi có quyết định khác về tài sản bị phong tỏa của tòa án.
Phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ
Theo quy định tại Điều 126 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì biện pháp khẩn cấp tạm thời phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ được toà án quyết định áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người có nghĩa vụ có tài sản và việc áp dụng biện pháp này là cần thiết để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hoặc bảo đảm cho việc thi hành án.
Toà án quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời này khi giải quyết vụ án dân sự theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Nhận được quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời này của toà án, người có nghĩa vụ có trách nhiệm ngừng mọi giao dịch liên quan đến tài sản phong tỏa cho đến khi có quyết định khác về tài sản bị phong tỏa của toà án.
Cấm hoặc buộc thực hiện một số hành vi nhất định
Theo quy định tại Điều 127 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm hoặc buộc thực hiện một số hành vi nhất định được toà án quyết định áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy đương sự hoặc cá nhân, cơ quan, tổ chức khác thực hiện hoặc không thực hiện một số hành vi nhất định làm ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hoặc quyền và lợi ích hợp pháp của người khác có liên quan trong vụ án đang được tòa án giải quyết.
Toà án quyết định áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời này trong quá trình giải quyết vụ án dân sự theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Theo hướng dẫn tại Nghị quyết 02/2020/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định được thực hiện trong các trường hợp sau đây:
- Ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án là trường hợp đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác thực hiện hoặc không thực hiện một hoặc một số hành vi cản trở quá trình thu thập tài liệu, chứng cứ hoặc có hành vi khác gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án. Ví dụ: Khi xem xét, thẩm định tại chỗ, bị đơn là ông B khóa cửa không cho vào thẩm định. Theo yêu cầu của nguyên đơn thì Tòa án có thể áp dụng biện pháp buộc ông B mở cửa để xem xét, thẩm định tại chỗ.
- Ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác có liên quan trong vụ án đang được Tòa án giải quyết là trường hợp người bị ảnh hưởng không phải là đương sự trong vụ án nhưng việc thực hiện hoặc không thực hiện một hoặc một số hành vi của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người đó.
Trên đây là những chia sẻ của Luật An Trí Việt về Quy định của pháp luật về các biện pháp khẩn cấp tạm thời. Quý khách có nhu cầu tư vấn về các biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc hỗ trợ các vấn đề pháp lý có liên quan xin vui lòng liên hệ qua tổng đài 0913 169 599 / 0968 589 845 hoặc gửi thư đến hòm thư điện tử antrivietlaw@gmail.com để được hỗ trợ kịp thời và nhanh chóng nhất.