Quy định về thừa kế theo di chúc

Pháp luật hiện nay ghi nhận hai phương thức thừa kế: theo di chúc và theo pháp luật, trong đó phần thừa kế theo di chúc được ưu tiên chia trước sau đó mới đến trình tự phân chia theo pháp luật (nếu có). Thừa kế theo di chúc là quá trình dịch chuyển di sản của người chết cho người còn sống theo ý nguyện của người để lại di sản. Như vậy, để thực hiện được sự phân chia di sản theo phương thức này, người để lại di sản phải lập di chúc và sau khi người để lại di sản chết, bản di chúc cần phải đảm bảo được giá trị pháp lý cũng như giá trị thực thi mới có thể thực hiện quá trình phân chia di sản này. Bài viết dưới đây sẽ phân tích rõ những Quy định về thừa kế theo di chúc.

Quyền của người lập di chúc

Người lập di chúc có các quyền sau đây:

  • Chỉ định người thừa kế, truất quyền hưởng di sản của người thừa kế: Theo đó, ai được chỉ định là người thừa kế sẽ có quyền hưởng di sản theo di chúc. Cá nhân lập di chúc cũng có quyền khoanh vùng những người thừa kế của mình để truất quyền hưởng di sản thừa kế.
  • Phân định phần di sản cho từng người thừa kế: Việc phân định di sản như thế nào hoàn toàn phụ thuộc và xử sự của người lập di chúc. Nếu người lập di chúc không phân định phần di sản cho từng người thừa kế thì di sản được chia đều cho những người được chỉ định trong di chúc.
  • Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng: Đây là quy định nhằm đảm bảo tốt hơn các nội dung đa dạng của di chúc, phù hợp với nét truyền thống, tín ngưỡng, tôn giáo của người Việt Nam.
  • Giao nghĩa vụ cho người thừa kế: Người lập di chúc có thể chỉ định trong nội dung của di chúc người thừa kế phải thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ trước đó người chết để lại. Tuy nhiên, việc thực hiện nội dung quyền này phải gắn liền với quy định về thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại (Điều 615 BLDS năm 2015). Về nguyên tắc, người thừa kế phải thực hiện nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại trong phạm vi di sản họ được hưởng. Do đó, người để lại di sản giao nghĩa vụ cho người thừa kế cũng bị giới hạn trong phạm vi di sản mà người này được hường, trừ trường hợp họ tự nguyện thực hiện vượt quá phạm vi giới hạn di sản được hưởng.
  • Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản: Trong di chúc, người được chỉ định thực hiện những công việc trên có thể đồng thời là một người hoặc nhiều người khác nhau. Những người thực hiện công việc nêu trên có thể là người thừa kế hoặc người khác. Nghĩa vụ này không phải là bắt buộc đối với họ. Do đó, họ có thể thực hiện hoặc không thực hiện. Trong trường hợp người được chỉ định không thực hiện, những người thừa kế sẽ thỏa thuận thống nhất cử ra một người để làm công việc này.
  • Sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc: Người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đã lập vào bất cứ lúc nào. Trường hợp người lập di chúc bổ sung di chúc thì di chúc đã lập và phần bổ sung có hiệu lực pháp luật như nhau. Nếu một phần của di chúc đã lập và phần bổ sung mâu thuẫn với nhau thì chỉ phần bổ sung có hiệu lực pháp luật. Trường hợp người lập di chúc thay thế di chúc bằng di chúc mới thì di chúc trước bị hủy bỏ.

Di chúc để lại quyền sử dụng đất cho con chưa thành niên thế nào?

Hiệu lực của di chúc

Thời điểm có hiệu lực của di chúc

Theo quy định tại khoản 1 Điều 643 BLDS 2015, di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế. Tức là di chúc được xác định có hiệu lực kể từ thời điểm người lập di chúc chết.

Một số trường hợp di chúc không thể thực hiện được

(1) Thứ nhất, về người thừa kế

Di chúc không có hiệu lực toàn bộ hoặc một phần trong trường hợp sau đây: (i) Người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; (ii) Cơ quan, tổ chức được chỉ định là người thừa kế không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế; (iii) Người thừa kế theo di chúc không được quyền hưởng di sản nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 621 BLDS năm 2015 đồng thời không rơi vào trường hợp ngoại lệ theo quy định tại khoản 2 Điều 621 BLDS năm 2015.

Trường hợp có nhiều người thừa kế theo di chúc mà có người chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc, một trong nhiều cơ quan, tổ chức được chỉ định hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế thì chỉ phần di chúc có liên quan đến cá nhân, cơ quan, tổ chức này không có hiệu lực.

(2) Thứ hai, về di sản thừa kế

Di chúc không có hiệu lực, nếu di sản để lại cho người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế; nếu di sản để lại cho người thừa kế chỉ còn một phần thì phần di chúc về phần di sản còn lại vẫn có hiệu lực.

Ngoài hai trường hợp nêu trên, liên quan tới khả năng thực thi bản di chúc, pháp luật còn ghi nhận một số trường hợp khác như: Di chúc bị thất lạc, di chúc bị tiêu hủy, di chúc không thể giải thích được nội dung…

Liên quan tới mức độ có hiệu lực của di chúc, pháp luật còn xác định rõ khi di chúc có phần không hợp pháp mà không ảnh hưởng tới hiệu lực của các phần còn lại thì chỉ phần đó không có hiệu lực. Đồng thời, khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực.

Di chúc có giá trị trong thời gian bao lâu?

Người hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc

Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:

  • Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
  • Con thành niên mà không có khả năng lao động.

Quy định trên được coi là việc pháp luật hạn chế quyền định đoạt của người lập di chúc để đảm bảo quyền lợi cho một số người thừa kế của người để lại di sản.

Khi xác định số người thừa kế theo pháp luật được chia để xác định một suất thừa kế theo pháp luật thì loại trừ những người sau đây:

  • Người thừa kế bị truất quyền thừa kế và người đó không thuộc những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc.
  • Người thừa kế từ chối nhận di sản thừa kế.
  • Người thừa kế bị tước quyền hưởng di sản theo khoản 1 Điều 621 BLDS năm 2015.
  • Người thừa kế chết trước, chết cùng thời điểm với người để lại di sản mà không có người thừa kế thế vị.

Trên đây là tư vấn của Luật An Trí Việt về Quy định về thừa kế theo di chúc. Quý khách có nhu cầu tư vấn thêm về Quy định về thừa kế theo di chúc hoặc các vấn đề pháp lý có liên quan vui lòng liên hệ qua tổng đài 0913 169 599 / 0968 589 845 hoặc gửi thư đến hòm thư điện tử antrivietlaw@gmail.com để được hỗ trợ kịp thời và nhanh chóng nhất.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *