Thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài (phần 1)

Dưới các tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0, bức tranh đầu tư nước ngoài đã thay đổi, Việt Nam đã trở thành điểm sáng trong thu hút dòng vốn FDI. Với nhiều lợi thế, các nhà đầu tư nước ngoài đang đặt niềm tin lớn và đẩy mạnh vốn đầu tư thành lập công ty tại Việt Nam. Tuy nhiên, quá trình thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài hiện nay đòi hỏi các nhà đầu tư phải có sự am hiểu rõ ràng về trình tự, thủ tục pháp lý, cũng như các quy định liên quan.

Bài viết sau đây, Luật An Trí Việt sẽ trình bày tổng quan về quá trình Thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

6 tháng đầu năm 2024, tổng vốn FDI vào Việt Nam ước đạt 15.19 tỷ USD, tăng  hơn 13 % so với cùng kỳ | Vietstock

Các hình thức thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài

Để thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện theo một trong hai hình thức sau:

  • Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của công ty Việt Nam: tức là thành lập công ty Việt Nam trước rồi nhà đầu tư nước ngoài góp thêm vốn hoặc mua cổ phần hoặc mua phần vốn góp của công ty Việt Nam sau.
  • Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo hình thức nhà đầu tư góp vốn ngay từ đầu: nhà đầu tư nước ngoài góp vốn kể từ khi bắt đầu thành lập công ty.

Điều kiện thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài

Điều kiện đối với hình thức thành lập tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài: 

  • Nhà đầu tư trong nước thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế;
  • Nhà đầu tư nước ngoài thành lập tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài;
  • Trước khi thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trừ trường hợp thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Điều kiện đối với hình thức mua cổ phần, mua phần vốn góp:

  • Nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài;
  • Bảo đảm quốc phòng, an ninh;
  • Đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai về điều kiện nhận quyền sử dụng đất, điều kiện sử dụng đất tại đảo, xã, phường, thị trấn biên giới, xã, phường, thị trấn ven biển.

Điều kiện về chủ thể, quốc tịch:

Chủ thể đầu tư có thể là cá nhân trên 18 tuổi hoặc tổ chức, doanh nghiệp có quốc tịch của thành viên WTO hoặc quốc tịch của nơi có ký điều ước song phương liên quan đến việc đầu tư với Việt Nam.

Pháp luật hiện hành không quy định về quốc tịch của nhà đầu tư nước ngoài, tức là bất kỳ quốc gia nào cũng có thể đầu tư vào Việt Nam nếu tuân thủ các quy định pháp luật và được phê duyệt.

Điều kiện về năng lực tài chính:

Nhà đầu tư đảm bảo phải có đủ năng lực về tài chính, cần phải chứng minh năng lực tài chính khi đầu tư vào Việt Nam. Nhà đầu tư nước ngoài cần tiến hành thẩm định và tuân theo các quy định liên quan điều chỉnh lĩnh vực họ lựa chọn để đáp ứng các yêu cầu về tài chính cần thiết trước khi thực hiện đầu tư.

Điều kiện về trụ sở của doanh nghiệp, địa điểm thực hiện dự án: 

Nhà đầu tư phải có địa điểm thực hiện dự án tại Việt Nam, được thể hiện bởi hợp đồng thuê và các giấy tờ hợp pháp của bên cho thuê để làm trụ sở công ty và nơi thực hiện dự án.

Điều kiện về năng lực:

Nhà đầu tư phải đáp ứng các điều kiện đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định.

Best business structure for foreign companies in the Indian market -  iPleaders

Quy trình, thủ tục thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài trong trường hợp góp vốn, mua cổ phần

Bước 1: Thành lập công ty có vốn Việt Nam

Nhà đầu tư nước ngoài chỉ có thể tham gia đầu tư, mua cổ phần trong một doanh nghiệp Việt Nam sau khi đã có sẵn doanh nghiệp tại Việt Nam. Trường hợp chưa thực hiện thủ tục thành lập doanh nghiệp, đối tác Việt Nam cần thành lập công ty với toàn bộ vốn đầu tư từ Việt Nam.

Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký mua phần vốn góp, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài

Hồ sơ đăng ký mua phần vốn góp, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài bao gồm:

  • Văn bản đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp gồm những nội dung: thông tin về đăng ký doanh nghiệp của tổ chức kinh tế mà nhà đầu tư nước ngoài dự kiến góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp; ngành, nghề kinh doanh; danh sách cổ đông sáng lập, danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài (nếu có); tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trước và sau khi góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế; giá trị giao dịch của hợp đồng góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp; thông tin về dự án đầu tư của tổ chức kinh tế (nếu có);
  • Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân, tổ chức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp;
  • Văn bản thỏa thuận về việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp giữa nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế nhận góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp;
  • Văn bản kê khai (kèm theo bản sao) Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế nhận vốn góp, cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài.

Bước 3: Nộp hồ sơ đăng ký mua phần vốn góp, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài

Nhà đầu tư nước ngoài nộp hồ sơ tại Phòng đăng ký đầu tư – Sở Kế hạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký đầu tư xem xét việc đáp ứng điều kiện góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và thông báo cho nhà đầu tư.

Bước 4: Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện mua cổ phần, góp vốn, mua phần vốn góp của doanh nghiệp Việt Nam

Nếu nhà đầu tư nước ngoài góp vốn trên 51% vốn điều lệ thì công ty Việt Nam sẽ thực hiện mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp. Sau đó, nhà đầu tư sẽ thực hiện chuyển số vốn góp thông qua tài khoản vốn đầu tư trực tiếp. Bên cạnh đó, các thành viên và cổ đông đã chuyển nhượng vốn cần thực hiện kê khai và nộp thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp (nếu có) đúng như pháp luật đã quy định.

Bước 5: Thay đổi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Sau khi nhà đầu tư nước ngoài hoàn thiện việc góp vốn, công ty tiến hành thủ tục thay đổi đăng ký doanh nghiệp để ghi nhận việc góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Hồ sơ thay đổi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp bao gồm:

  • Thông báo thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh;
  • Quyết định về việc thay đổi của công ty;
  • Biên bản họp về việc thay đổi công ty;
  • Hợp đồng chuyển nhượng và các giấy tờ chứng thực đã hoàn tất việc chuyển nhượng có xác nhận của đại diện pháp luật của công ty;
  • Danh sách thành viên góp vốn hoặc Danh sách cổ đông là người nước ngoài;
  • Bản sao công chứng hộ chiếu/ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của nhà đầu tư.

Doanh nghiệp nộp hồ sơ thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp theo địa chỉ sau: https://dangkykinhdoanh.gov.vn.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và cấp đăng ký doanh nghiệp mới với các nội dung thay đổi; trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Cơ quan đăng ký kinh doanh phải thông báo bằng văn bản nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho người thành lập doanh nghiệp.

Creating A Compelling Company Culture? Pay Attention To What ISN'T Being  Said.

Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn về Thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài, xin vui lòng liên hệ Công ty Luật An Trí Việt để được hỗ trợ kịp thời và nhanh chóng nhất.

Công ty Luật An Trí Việt

Số điện thoại: 0913.169.599 – 0968.589.845

Email: antrivietlaw@gmail.com

Fanpage: https://www.facebook.com/profile.php

Website: https://luatantriviet.vn/

Luật An Trí Việt – Dịch vụ pháp lý uy tín, chuyên nghiệp

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *